Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Vấn đề 1: Trình bày nguồn gốc hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh

            Vấn đề 1: Trình bày nguồn gốc hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh

Bài làm:
Chủ tịch Hồ Chí Minh  - vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, điều đó đã được dân tộc VN và cả nhân loại ngày nay thừa nhận. Với thiên tài trí tuệ của mình, với lòng yêu nước nồng nàn và thương dân sâu sắc, Bác - từ một con người giản dị bình thường đã trở thành nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà lý luận thiên tài của cách mạng VN. Bất cứ một TT nào cũng phải có nguồn gốc, cơ sở hình thành, đó chính là tuân theo qui luật hình thành TT từ ít đến nhiều, từ hình thức đến nội dung, bản chất. Vì vậy, TTHCM cũng ko nằm ngoài qui luật đó.
Tư tưởng HCM là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, nhân nghĩa và thực tiễn CM Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại được nâng lên tầm cao mới dưới ánh sáng CN Mác LêNin. Tư tưởng ấy có giá trị vô cùng to lớn, định hướng cho cách mạng VN trong hơn nữa thế kỷ qua, góp phần thúc đẩy tiến trình văn minh, tiến bộ của nhân loại. Hiện nay tư tưởng HCM đang tiếp tục soi đường cho CM nước ta trong sự nghiệp đổi mới, cương lĩnh của Đảng ta năm 1991 đã xác định: “Đảng lấy CN Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
            Đại hội Đảng lần IX đã khẳng định “Tư tưởng HCM là một hệ thống qua điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” và “tư tưởng HCM soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Từ khái niệm cho thấy TT HCM được hình thành từ những nguồn gốc sau đây:
            * Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
            Dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý.
- Trước hết, đó là tinh thần độc lập tự chủ, anh dũng bất khuất trong đấu tranh dựng nước và giữ nước hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới ở vào hoàn cảnh lịch sử phải đấu tranh trường kỳ, gay go quyết liệt chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do bản sắc và phẩm giá như dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước và chủ nghĩa yêu nước được hình thành từ rất sớm và trở thành một tính chất của mọi người dân Việt và đây là một yếu tố quan trọng nhất để Nguyễn Tất Thành đi vào con đường cách mạng. Cho đến nay, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam kể cả thắng lợi công cuộc đổi mới đều có cội nguồn từ lòng yêu nước, với học thuyết đạo đức, tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều phải thông qua lòng yêu nước và chủ nghĩa yêu nước của người dân Việt.
            - Thứ hai, là tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái lá lành đùm lá rách” trong hoạn nạn, khó khăn. Truyền thống này cũng hình thành cùng một lúc với sự hình thành dân tộc, từ hoàn cảnh và nhu cầu đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh đã chú ý kế thừa, phát huy sức mạnh của truềyn thống nhân nghĩa, nhấn mạnh bốn chữ “đồng” (đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh).
            - Thứ ba, là dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lạc quan, yêu đời. Trong muôn nguy, ngàn khó”, người lao động vẫn động viên nhau “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” và tiếng cười vẫn không ngớt vang lên trong cuộc sống, vẫn tin vào sự tất thắng của chân lý, chính nghĩa, dù trước mắt còn đầy gian truân, khổ ải.
            - Thứ tư, dân tộc Việt Nam là một dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu, là một dân tộc ham học hỏi và không ngừng mở rộng cửa đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại từ Nho, Phật, Lão của phương Đông đến tư tưởng – văn hóa hiện đại của phương Tây.
            Tư tưởng yêu nước của người Việt Nam chứa đựng khát vọng về tự do, công bằng, bình đẳng xã hội. Các vị anh hùng dân tộc đều có đường lối ít nhiều đáp ứng khát vọng ấy. Nhân dân Việt Nam yêu nước mình nhưng không ít kỷ hẹp hòi dân tộc mà tôn trọng các dân tộc khác khoan dung và quý trọng tình hoà hiếu. Trên cơ sở giữ vững bản sắc dân tộc nhân dân ta đã biết chọn lọc, tiếp thu cải biến những cái hay, cái tốt cái đẹp của người thành những giá trị riêng của mình.
            Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh trọn vẹn sinh động của những giá trị truyền thống cao quý đó. Chủ nghĩa yêu nước là nguồn gốc sâu xa của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ tuổi thanh niên Hồ Chí Minh đã là một trong những người con yêu nước tiêu biểu nhất của dân tộc. Tất cả ý nghĩa cuộc sống của người lúc đó là cứu nước giải phóng dân tộc, cứu đồng bào bị đọa đày đau khổ. Người coi đấy là lẽ sống thiêng liêng nhất, Người nói “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những đều tôi hiểu”. Đối với Người tất cả mọi kế sách đều vô nghĩa nếu không nhằm tự do cho đồng bào, độc lập cho tổ quốc. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hồ Chí Minh lúc thiếu thời rất khâm phục tinh thần yêu nước, xã thân vì nước của các sĩ phu, văn thân, các chiến sĩ như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám...nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các vị tiền bối yêu nước. Tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh thời trẻ, ngay cả khi chưa gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, đã thể hiện có tầm vượt trước những quan niệm cứu nước đương thời. Một tư tưởng yêu nước sáng suốt hướng tới việc tìm con đường thật sự cách mạng và khoa học dẫn đến mục tiêu triệt để giải phóng dân tộc. Đó là tư tưởng yêu nước mang đậm tính nhân dân, tính nhân bản. Cứu nước trước hết là cứu hàng triệu “đồng bào bị đoạ đày”, những “người cùng khổ”. Mục tiêu cứu nước của Hồ Chí Minh (khi chưa là người Mác xít) là nước độc lập phải đi đôi với quyền tự, ấm no, hạnh phúc, rõ ràng mục tiêu ấy không thể tìm thấy ở con đường cứu nước trên lập trường phong kiến và cả trên lập trường của giai cấp tư sản. Ở tuổi 13, Hồ Chí Minh đã sớm bị hấp dẫn bởi khẩu hiệu “tự do bình đẳng bác ái”. Người muốn tìm hiểu đến tận cùng ý nghĩa của những từ đẹp đẽ ấy không chỉ trên lý thuyết mà ngay trên thực tế. Với một hoài bảo và lòng yêu nước như thế làm hành trang Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đang đòi hỏi được đổi mới là tiền đề tư tưởng đưa Hồ Chí Minh đến một cách tự nhiên với chủ nghĩa Mác Lênin, đáp ứng yêu cầu bức xúc của lịch sử lúc đó là phải xác định một đường lối cứu nước đúng đắn. Tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh phản ánh yêu cầu giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa nói chung.
            * Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tiếp thu và phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại.
Hồ Chí Minh đã biết làm giàu vốn văn hóa của mình bằng cách học hỏi, tiếp thu tư tưởng văn hóa phương Đông và phương Tây.
- Về tư tưởng và văn hóa phương Đông: Hồ Chí Minh đã tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo về triết lý hành động, nhân nghĩa, ước vọng về một xã hội bình trị, hòa mục, thế giới đại đồng; về một triết lý nhân sinh, tu thân, tề gia; đề cao văn hóa trung hiếu "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh".
Người nói: "Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học". Người dẫn lời của V.I. Lênin: "Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại".
Về Phật giáo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn; coi trọng tinh thần bình đẳng, chống phân biệt đẳng cấp, chăm lo điều thiện, v.v..
Về chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh tìm thấy những điều thích hợp với điều kiện nước ta, đó là dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.
- Về tư tưởng và văn hóa phương Tây: Hồ Chí Minh đã nghiên cứu tiếp thu tư tưởng văn hóa dân chủ và cách mạng của cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ.
Về tư tưởng dân chủ của cách mạng Pháp, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng của các nhà khai sáng: Vônte (Voltaire), Rútxô (Rousso), Môngtexkiơ (Moutesquieu). Đặc biệt, Người chịu ảnh hưởng sâu sắc về tư tưởng tự do, bình đẳng của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Đại cách mạng Pháp. Về tư tưởng dân chủ của cách mạng Mỹ, Người đã tiếp thu giá trị về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của Tuyên ngôn độc lập năm 1776, quyền của nhân dân kiểm soát chính phủ.
            Hồ Chí Minh tiếp thu những giá trị tư tưởng văn hóa phương Tây cũng như đối với những giá trị phương Đông vớí tinh thần phê phán Người đã trực tiếp thấy rõ ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông dương, những thống khổ không sao kể siết của đồng bào mình, đã tận mắt trông thấy tội ác dã man của bọn thực dân ở tất cả các nước thuộc địa mà Người đi qua, trực tiếp chứng kiến những bất công phổ biến ngay ở những nước “văn minh”. Qua thực tế Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mặt trái của nền văn minh phương Tây. Song điều đó không ngăn cản Người tiếp thu kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn minh phương Tây.
            * Tư tưởng HCM là sự vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin
            Trên cơ sở những nhân tố tư tưởng nói trên đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh của là kết quả sự gặp gở giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa Mác Lênin. Việc Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác Lênin “cái cần thiết” và “con đường” giải phóng dân tộc, “ngọn hải đăng soi đường cho toàn thể nhân loại bị áp bức đi tới giải phóng” là bước quyết định trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.        Bắt gặp chủ nghĩa Mác Lênin tư tưởng yêu nước ở Nguyễn Ái Quốc có bước nhảy vọt về chất-tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng yêu nước anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc không phải phẩm chất riêng có ở những người cộng sản mà là vốn có ở hàng triệu người trong Đảng cũng như ngoài Đảng. Song chỉ có Đảng của giai cấp công nhân được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác Lênin mới có đường lối đúng đắn để giải phóng dân tộc biến chủ nghĩa yêu nước truyền thống thành chủ nghĩa yêu nước hiện đại trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa XH KH, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Được tư tưởng khoa học của giai cấp công nhân quốc tế soi sáng phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đã tìm ra đường lối cứu nước đúng đắn. Chủ nghĩa Mác Lênin là cơ sở chủ yếu hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính lý luận Mác Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận DVBC để tổng kết kiến thức tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn tìm ra con đường cứu nước đúng đưa Người vượt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời, khắc phục căn bản khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc.
            Chủ nghĩa yêu nước là cơ sở ban đầu và động lực thúc đẩy Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác Lênin. Còn chủ nghĩa Mác Lênin đã nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Hồ Chí Minh lên bước phát triển về chất phù hợp với thời đại mới. Người nói “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ 3. Từng bước một trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác Lênin vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” Như vậy tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác Lênin, những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cùng nằm trong các phạm trù cơ bản của lý luận Mác Lênin. Tuy nhiên tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam mà còn là sự phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác Lênin ở thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập tự do.
            Cuối cùng phải nói đến những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh là nhân tố rất quan trọng để hình thành và phát triển tư tưởng HCM:
   Ngoài nguồn gốc tư tưởng, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh còn chịu sự tác động sâu sắc của thực tiễn dân tộc và thời đại mà Người đã sống và hoạt động. Chính quá trình hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh ở trong nước và khi còn bôn ba khắp thế giới để học tập, nghiên cứu và hoạt động đã làm cho Người có một hiểu biết sâu sắc về dân tộc và thời đại, nhất là thực tiễn phương Đông để xem xét, đánh giá và bổ sung cơ sở triết lý phương Đông cho học thuyết Mác - Lênin.
Từ hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã khám phá quy luật vận động xã hội, đời sống văn hóa và cuộc đấu tranh của các dân tộc trong hoàn cảnh cụ thể của các quốc gia và thời đại mới để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, qua kiểm nghiệm của thực tiễn để hoàn thiện, làm cho lý luận có giá trị khách quan, tính cách mạng và khoa học.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm hoạt động tinh thần của cá nhân, do Người sáng tạo trên cơ sở những nhân tố khách quan. Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố nhân cách, phẩm chất và năng lực tư duy của chính người sáng tạo ra nó.
Không chỉ ở nước ta mà có nhiều chính khách, nhiều nhà hoạt động văn hóa-xã hội ở nước ngoài đã nêu nhiều ý kiến sâu sắc về nhân cách, phẩm chất, về tài năng trí tuệ của Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1923, lúc Hồ Chí Minh vào trạc tuổi 33, nhà báo Liên Xô Ô. Manđenxtam khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh đã sớm nhận biết: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai". Văn hóa Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh ngày càng tỏa sáng theo dòng thời gian của dân tộc và thời đại.
Nhân cách, phẩm chất, tài năng của Hồ Chí Minh đã tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển tư tưởng của Người. Đó là một con người sống có hoài bão, có lý tưởng, yêu nước, thương dân, có bản lĩnh kiên định, có lòng tin vào nhân dân, khiêm tốn, bình dị, ham học hỏi, nhạy bén với cái mới, thông minh, có hiểu biết sâu rộng, có phương pháp biện chứng, có đầu óc thực tiễn, v.v.. Chính nhờ vậy, Người đã khám phá sáng tạo về lý luận cách mạng thuộc địa trong thời đại mới, xây dựng được một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc và sáng tạo về cách mạng Việt Nam, đã vượt qua mọi thử thách, sóng gió trong hoạt động thực tiễn, kiên trì chân lý, định ra các quyết sách đúng đắn và sáng tạo, biến tư tưởng thành hiện thực cách mạng.
            Tóm lại trong các nguồn gốc nói trên chủ nghĩa yêu nước là cơ sở ban đầu và động lực thúc đẩy Hồ Chí Minh tự giác đến với chủ nghĩa Mác Lênin. Còn chủ nghĩa Mác Lênin đã nâng chủ nghĩa yêu nước lên một bước phát triển mới về chất phù hợp với thời đại mới. Chủ nghĩa Mác Lênin là nguồn gốc trực tiếp và chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh hoa văn hóa nhân loại đã giúp Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác Lênin, làm phong phú bản sắc tư tưởng của Người do kết hợp được dân tộc với thời đại, văn hóa phương Đông và phương Tây đã nâng tầm văn hoá, chính trị của Người ngang tầm thời đại…Sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là số cộng giản đơn ba bộ phận đó. Ở đây diễn ra một quá trình tổng hợp chắc lọc qua tư duy độc lập, qua trí tuệ và nhân cách lớn của Hồ Chí Minh trên cơ sở một bản lĩnh chính trị kiên định và cốt cách văn hóa độc đáo của Người đó cũng là kết quả tổng hợp của cả quá trình lăn lộn đấu tranh lâu dài trong thực tiễn gian khổ hiểm nguy ở hầu khắp các châu lục; là một quá trình tự rèn luyện tự học tập tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống và chiến đấu của Người.







            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét