Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

2.2. Nhà Trần (1226 – 1400).

2.2. Nhà Trần (1226 – 1400).
* Sự ra đời của nhà Trần:
Vào cuối thế kỷ XII, từ đời vua Lý Cao Tông (lên ngôi khi mới 3 tuổi), không lo triều chính mà chỉ ăn chơi, phung phí vô độ, đẩy nhà Lý bước đầu bước vào thời kỳ suy thoái. Đến đời vua Lý Huệ Tông, tình hình suy thoái ngày càng nghiêm trọng, đất nước loạn lạc bởi các thế lực cát cứ ở địa phương, trong triều thì nhiều biến động, do đó buộc nhà Lý phải lệ thuộc vào các thế lực bên ngoài, nhất là họ Trần. Đến cuối năm 1225, dưới sự sắp xếp và quyết định của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (Con thứ của Trần Thừa, cháu họ của Trần Thủ Độ), sau đó làm lễ nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi vào đầu năm 1226, trở thành vua Trần Thái Tông, mở ra một triều đại mới với một nhà nước mới – Nhà Trần.
Sự thay thế của nhà Trần đối với nhà Lý đã đáp ứng được yêu cầu của đất nước vào lúc đó. Bằng con đường hôn nhân, sự thay đổi triều đại này đã diễn ra một cách tương đối êm ả, hợp lòng quân dân và làm nên một triều đại với nhiều chiến công vẻ vang, xây dựng và phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực.     
* Bộ máy nhà nước:
Nhà Trần tiếp tục kế thừa nhà Lý trong việc xây dựng bộ máy theo thiết chế nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, nhưng có nhiều bổ sung, đổi mới quan trọng. Điểm mới và nổi bật nhất là chế độ “lưỡng đầu” (Vua – Thái thượng hoàng). Cơ chế này được lập ra ngày từ đầu và duy trì trong hầu hết thời gian tồn tại nhà Trần. Về danh nghĩa, Thái thương hoàng là cố vấn cho vua, nhưng trên thực tế thì Thái thượng hoàng lại là người quyết định hầu hết những vấn đề trọng đại của triều đình và đất nước, do đó có thể gọi đây là chế độ hai vua cùng trị vì đất nước. Việc thiết lập và duy trì cơ chế đó trong phần lớn thời gian tồn tại của vương triều này là cách thức để nhà Trần vừa bảo vệ sự cầm quyền của dòng họ mình, vừa ngăn chặn việc tranh giành ngôi vua giữa các hoàng tử, đồng thời còn là sự kèm cặp, hỗ trợ của vua cũ đối với vua mới, giúp vua mới điều hành đất nước được tốt hơn.
Dưới thời nhà Trần, các cơ quan hành chính và chuyên môn sớm được thiết lập, mở rộng và quản lý chặt chẽ hơn trước. Theo thể chế “lưỡng đầu”, bên cạnh kinh đô Thăng Long còn có phủ Thiên Trường, được xây dựng và bảo vệ gần như một kinh đô thứ hai. Đó là quê hương, là nơi ở của thượng hoàng.
Về bộ máy quan lại, dưới triều Trần thì được tổ chức quy củ và có hệ thống hơn triều Lý, gồm hai bộ phận: quan trong (ở trung ương) và quan ngoài (ở địa phương). Tầng lớp quý tộc, tôn thất phát triển hơn và thể hiện rõ vai trò của mình trong sự nghiệp giúp vua giữ nước. Các vương hầu nhà Trần, ngoài việc nắm giữ những chức vụ chủ chốt ở triều đình, còn được phân phong đi trấn trị các vùng trọng yếu. Vương hầu có quyền lực lớn ở vùng mình trấn trị. Họ còn được phân phong thái ấp có phủ đệ và được tồ chức đội quân riêng. Lúc bình thường họ sống ở phủ đệ, lúc hữu sự họ về kinh đô.
Ở triều đình, nhà Trần đặt thêm nhiều cơ quan chuyên trách mới, đó là:
- Hệ thống các cơ quan tư pháp như: Thẩm hình viện (xét xử), Tam ty viện (Kiểm sát), Bình bạc ty (coi việc kiện tụng) và Ngự sử đài (giám sát quan lại và can gián vua);
- Quốc sử viện: Lo việc chép sử;
- Thái y viện: Lo việc trông coi sức khỏe;
- Quốc học viện: Lo việc học hành;
- Tư thiên giám: Lo việc thiên văn, làm lịch;
- Quốc tử giám: Trường học lớn nhất nước.
Về quan chế, Tướng quốc là người đứng đầu bá quan văn võ. Ở triều đình trung ương có các chức Tam thái, Tam thiếu (sư, phó, bảo) giống như thời Lý, ngoài ra bổ sung thêm ba chức quan mới được gọi là Tam tư: Tư đồ phụ trách ngoại giao, văn hóa; Tư mã phụ trách chinh phạt và Tư không phụ trách các mặt còn lại.
Ở ban võ, đứng đầu là các quan đại thần bao gồm: Thái úy, Thiếu úy và Bình chương sự, tiếp dưới là quan lại ở các bộ do quan Thượng thư đứng đầu và các chức võ quan khác Thị lang, Lang trung… Về ngạch võ, điểm khác hơn thời Lý là có các chức Phiêu kỵ thượng tướng quân (dành riêng cho hoàng tử), Tiết chế tướng quân. Các chức vụ quan trọng trong triều lúc đầu phần lớn là do các quý tộc tông thất nắm giữ, sau do nhu cầu chuyển dần sang giới quan liêu.
Ở cấp địa phương, có các chức An phủ chánh sứ và An phủ phó sứ; đứng đầu phủ là tri phủ, trấn phủ sứ. Đứng đầu châu là Chuyển vận sứ, Thông phán. Đứng đầu huyện là Lệnh úy; ở xã là đội ngũ xã quan (đại, tiểu tư xã, xã chính). Ngoài ra còn có các chức võ quan trông coi quân đội ở địa phương như: Quan sát sứ, Kinh lược sứ, Phòng ngự sứ và các chức quan trông coi về kinh tế như: “Hà đê phó chánh sứ” chuyên trách việc đê điều, “Đồn điền chánh phó sứ” chuyên trách quản lý đồn điền cùng một số chức quan trông coi về giáo dục ở lộ, phủ.v.v.
Bên cạnh bộ máy quan lại như trên, nhà Trần vẫn tiếp tục duy trì hệ thống “tăng quan” như thời nhà Lý với các chức đứng đầu là Quốc sư, Tăng thống, Tăng lục.v.v.
Nhìn chung, so với bộ máy quan lại nhà Lý thì nhà Trần có sự bổ sung và mở rộng hơn cả ở trung ương và địa phương. Các chức vụ và nhiệm vụ được gắn chặt, quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Bộ máy này vừa thực hiện sự kế thừa, vừa có sự sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu đất nước trong thời kỳ mới, đó chính là bước tiến quan trọng của nhà nước thời Trần.
* Việc điều hành đất nước:
- Về phân chia địa giới hành chính: Sau khi thành lập, nhà Trần thực hiện cải tổ hành chính, chia cả nước thành 12 lộ, hai trại và đặt thêm năm phủ, sáu châu.
- Về sử dụng, tuyển chọn quan lại: Trong sử dụng quan lại thì nhà Trần có điểm khác hơn nhà Lý là dành nhiều quyền lợi cho quan lại thông qua chế độ lương bổng; các quan lại thuộc tầng lớp quý tộc được ban cấp đất đai để lập thái ấp, được khai khẩn để lập điền trang.
Trong tuyển chọn quan lại, nhà Trần tiếp tục kế thừa và phát triển hơn thời Lý. Kế thừa ở chỗ ban đầu cũng dành những vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước cho những người thuộc dòng dõi quý tộc và các công thần (quân chủ quý tộc). Nhưng mặt khác, ngay buổi đầu thành lập, năm 1227 nhà Trần đã mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Đạo); thi Thái học sinh (tiến sĩ) vào năm 1232 và đã chọn tam khôi với học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa vào năm 1247. Nhà Trần cũng đã định ra lệ khảo duyệt (khảo khóa) các quan theo định kỳ. Qua đó cho thấy, ở thời Trần, việc tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử giữ vị trí hết sức quan trọng, công tác khoa cử tuyển chọn người thực tài đã ngày càng nâng cao vai trò của tầng lớp nho sĩ quan liêu trong bộ máy chính trị thời Trần từ số lượng khiêm tốn lúc đầu, sau càng gia tăng trong những triều đại kế tiếp. Điều đó đã nói lên xu thế phát triển của nhà nước thời Trần là từ nhà nước quân chủ quý tộc chuyển sang nhà nước quân chủ quan liêu.
- Về tổ chức quân đội: Quân đội thời Trần cũng bao gồm quân cấm vệ và quân các lộ với nhiều binh chủng (bộ binh, thủy binh, kỵ binh, tượng binh…) giống như thời nhà Lý. Điểm khác hơn chính là lực lượng quân đội riêng của vương hầu, quý tộc và các thủ lĩnh dân tộc thiểu số, khi đất nước bị xâm lăng thì các đạo quân hợp lực cùng nhau đánh giặc.
Về xây dựng lực lượng quân đội, nhà Trần tiếp tục áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông” của thời Lý, đồng thời chủ trương “binh cốt tinh không cốt nhiều”. Do đó nhà Trần rất coi trọng việc rèn luyện võ nghệ cho binh sĩ, lập ra “Giảng võ đường” để đào tạo quan võ, tướng lĩnh, chú trọng xây dựng kỷ cương quân đội. Nhờ đó thời nhà Trần có lực lượng quân đội rất hùng mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vương triều và đất nước.
- Về kinh tế: Nhà Trần tiếp tục chú trọng phát triển liên hoàn các chính sách về nông nghiệp, bao gồm: sở hữu tư nhân về ruộng đất, tổ chức khai hoang, trị thủy - thủy lợi, bảo vệ sức kéo, ngụ binh ư nông, ban cấp thái ấp, mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy. Triều đình đã lập ra Ty Khuyến nông, đặt các chức quan Hà đê chánh phó sứ, hàng năm, mọi người đều có nghĩa vụ lao động tu sửa đê, học sinh Quốc Tử Giám cũng không được miễn trừ.
Nhìn chung, dưới triều Trần, một thế cân bằng ổn định về kinh tế đã được duy trì giữa các yếu tố công hữu và tư hữu, giữa nông nghiệp và nền kinh tế hàng hóa, giữa quyền lực, lợi ích của Nhà nước, (quyền sở hữu ruộng đất Nhà nước, nguồn tô thuế) với các đẳng cấp quý tộc quan liêu (thái ấp điền trang) cũng như của khối bình dân làng xã (ruộng công).
- Về xây dựng pháp luật: Kế thừa nhà Lý, thời Trần cũng tồn tại song song hai hình thức pháp luật: luật thành văn do Nhà nước ban hành và luật tục trong các làng xã. Tuy nhiên nhà Trần rất quan tâm đến việc xây dựng pháp luật của vương triều, biểu hiện qua việc đã cho biên soạn và ban hành nhiều bộ luật như:
- Quốc triều thông chế (1230);
- Quốc triều thường lễ (1230);
- Hoàng triều ngọc điệp (1267);
- Công văn cách thức (1290);
- Hoàng triều đại điển (1341);
- Hình thư (1341). Đây là bộ luật được Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn khảo đính bộ Hình thư thời Lý và trở thành bộ luật cơ bản của vương triều.
Nhìn chung, pháp luật đời Trần bảo vệ nghiêm ngặt chính thể quân chủ và chế độ đẳng cấp. Tội mưu phản Triều đình bị xếp vào hàng đại nghịch và bị trừng trị rất nặng “phải giết hết thân tộc”. Đẳng cấp quý tộc quan liêu được pháp luật ưu đãi, có quyền dùng tiền chuộc tội. Gia nô và nô tì không được quyền tố cáo chủ. Trong gia đình, cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được kiện cáo nhau.
 Pháp luật đời Trần cũng đã bảo vệ quyền tư hữu tài sản của người dân. Tội trộm cắp bị trừng trị rất nặng, thích chữ vào mặt, chặt ngón chân, lần thứ ba sẽ bị giết. Những đồ vật lấy trộm một phần sẽ phải đền 9 phần, nếu không đền được bắt vợ con sung làm nô tì.
Trong các làng xã, dân chúng vẫn tuân theo các phong tục cổ truyền, các bô lão giữ vai trò dàn xếp và xét xử.
- Về đối nội: Nhận thấy được những khiếm khuyết của các triều đại trước, nên sau khi thành lập, nhà Trần đã ra sức củng cố bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, xây dựng hệ thống bộ máy nhà nước gồm bốn cấp từ trung ương đến địa phương một cách chặt chẽ. Đây là một bước phát triển vượt bậc trong lịch sử và phản ánh cho thấy nhà nước thời này đã đặc biệt quan tâm trực tiếp với tay quản lý đến cấp cơ sở, đưa hương - giáp - xã vào nền nếp, khuôn khổ, vận hành theo qũy đạo chung của quốc gia phong kiến quân chủ trung ương tập quyền. Việc làm này hẳn không ngoài mục đích quản lý có hiệu lực vì lợi ích của đội ngũ cầm quyền đồng thời còn để sát dân, gần dân, động viên huy động toàn dân dựng nước, giữ nước có kết quả. Vai trò của hương, giáp, xã trong kháng chiến chống giặc Tống vào thế kỷ XI và ba lần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII đã chứng minh rõ điều đó.
- Về đối ngoại: Nhà Trần tiếp tục chính sách của nhà Lý trong việc giữ yên biên cương, bảo toàn lãnh thổ. Tuy có sự việc xảy ra năm 1252, quân Chămpa cướp bóc vùng ven biển phía nam Đại Việt đã bị quân Việt, dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông, tiến quân vào đánh bại, nhưng nổi bật lên vẫn là quan hệ hoà hiếu rất tốt đẹp giữa nhà Trần với vương triều Indravarman IV của Chămpa, nhất là trong và sau cuộc phối hợp kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Trong quan hệ ngoại giao với Mông Cổ, nhà Trần tỏ thái độ rất kiên quyết tìm mọi cách để giữ vững độc lập, tự chủ, mặc dù vẫn chịu nộp cống cho chúng theo lệ thường từ trước với nhà Tống, làm cho nhà Nguyên phải kính nể. Khi quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta, nhà Trần đã lãnh đạo cả nước đứng lên đánh thắng chúng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và độc lập của đất nước.
* Vai trò của nhà nước thời Trần:
Giống như nhà nước phong kiến thời Lý, nhà nước thời Trần cũng là một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền phương Đông. Tuy nhiên do áp dụng chế độ “lưỡng đầu”, nên mặc dù trên danh nghĩa thì nhà vua là người đứng đầu đất nước, nhưng quyền hành thực tế lại nằm trong tay Thái thượng hoàng. Các vua Trần tự coi là cha mẹ của dân, thi hành một chính sách thân dân kiểu gia trưởng, kết hợp với tư tưởng nhân từ bác ái của đạo Phật. Thời bình, các vua Trần thường xuyên thăm hỏi việc đắp đê, gặt hái, trong các dịp hội hè đã xuống dự cùng dân chúng. Khi đất nước có họa xâm lăng, Vua – Thái thượng hoàng là người có quyền quyết định trong việc tổ chức và phát động chiến tranh, hoặc xuống chiếu huy động quân đội trong nước. Khi có chiến tranh, vua hoặc các hoàng tử thường trực tiếp “tự làm tướng” cầm quân đi đánh giặc.


1 nhận xét:

  1. nam 1226 nha tran duoc thanh lap duoi thoi tran tu nam 1226 den nam 1400 dat nuoc ta rat..............................

    Trả lờiXóa