Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Bộ Lê triều hình luật (Bộ Luật Hồng Đức)

3.2.3. Hoàn chỉnh pháp luật và bộ Lê triều hình luật
Năm 1483, sau khi lên ngôi vua, Lê Thánh Tông cho tập hợp những điều lệ đã ban trong các đời vua Lê trước, tham khảo pháp luật thờI Lý - Trần, căn cứ vào tình hình của đất nước mà soạn ra bộ luật mới. Đó là bộ Lê triều hình luật, còn gọi là bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này kể cả những điều luật được bổ sung thêm ở thời Lê mạt, gồm 722 điều luật, chia làm 6 quyển, 16 chương.
Nội dung cơ bản của bộ luật nhằm khẳng định và củng cố sự thắng lợi của giai cấp địa chủ, trấn áp mọi hành động chống đối nhà nước phong kiến, xâm phạm đến lợi ích của giai cấp thống trị. Gồm mấy đặc điểm sau:
- Bảo vệ quyền thống trị của nhà nước quân chủ quan liêu. Cả một chương của bộ luật dành cho luật cấm vệ gồm 47 điều, nhằm bảo đảm an toàn hoàng cung và bản thân nhà vua. Những hành vi ra vào hoàng cung trái với thể lệ đều bị trừng trị nặng. Tội mưu phản, mưu đại nghịch, mưu chống lại nhà nước, nhà vua đều bị tử hình, bất cứ ai cũng không được hưởng chế độ bát nghị, không được chuộc tội bằng tiền, không được miễn giảm khi triều đình ân xá.
- Bảo vệ quyền lợi của giai cấp địa chủ phong kiến. Nhà nước có những quy định được ghi vào luật pháp nhằm giành cho tầng lớp quý tộc quan liêu nhiều đặc quyền, đặc lợi. Những đại quý tộc và quan lại cao cấp nếu phạm tội (trừ tội thập ác) thì được ân giảm hay tha bổng theo lệ “bát nghị”. Bảo vệ quyền lợi của nhà nước và của giai cấp thống trị còn được thể hiện trong nhiều điều luật của bộ luật Hồng Đức, nghiêm cấm và trừng phạt nặng những hành vi xâm lấn, chiếm đoạt ruộng đất công, quy định quyền sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, quy định những nguyên tắc mua bán, cầm cố, kế thừa ruộng đất. Có những điều khoản đã trở thành cơ sở pháp lý cho việc chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp địa chủ.
- Củng cố trật tự xã hội phong kiến, bảo vệ chế độ gia tộc phụ quyền và các chuẩn mực đạo đức phong kiến theo tinh thần Nho giáo. Cơ sở xã hội nhà nước phong kiến thời Lê sơ là chế độ gia tộc phụ quyền.
Tầng lớp quý tộc quan liêu là đẳng cấp cao nhất trong xã hội, có nhiều đặc quyền, đặc lợi về nhiều phương diện. Có những điều luật quy định nghiêm ngặt về áo quần, ăn mặc, nhà cửa, đồ dùng chỉ dành cho tầng lớp quý tộc quan liêu, dân thường không được dùng. Tầng lớp nô tỳ bị coi là thấp kém nhất trong xã hội, không được coi là thần dân của nhà nước. Đối với phụ nữ, bộ luật Hồng Đức có những điều luật khắt khe hơn đối với nam giới. Tuy nhiên, trong một số điều luật, người phụ nữ thời Lê sơ được pháp luật bảo vệ quyền lợi kinh tế. Con gái được hưởng quyền chia gia tài bình đẳng như con trai, trong trường hợp gia đình không có con trai thì con gái trưởng được quyền thừa kế hương hỏa. Khi phân chia tài sản gia đình do ly hôn, người vợ được lấy lại số tài sản riêng do bố mẹ cho làm của hồi môn và chia tài sản thành hai phần bằng nhau cho hai người. Về mặt hôn nhân, người con gái đã đính hôn nhưng chưa làm lễ thành hôn mà người con trai bổng mắc bệnh không thể chữa, hoặc phạm tội, hoặc phá tài sản thì người con gái được phép xin từ hôn và trả lại sính lễ. Những quy định nói trên nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ đã thể hiện được tính thực tiễn, tính dân tộc và tiến bộ của luật pháp bấy giờ.
Bộ luật Hồng Đức là bộ luật hoàn chỉnh nhất của nhà nước phong kiến việt Nam. Về cơ bản, bộ luật này là bộ luật hình như tên gọi của nó – Lê triều hình luật, nhưng thực chất, đây là một bộ luật tổng hợp nhiều mặt luật pháp (luật hình, luật hành chính, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân và gia đình…). Bộ luật biểu hiện rõ nét tính chất giai cấp và quyền lực của nhà nước phong kiến đối với nhân dân, nhưng đây cũng là bộ luật tương đối tiến bộ nhất trong thời đại phong kiến Việt Nam, mang đậm nét sáng tạo và tinh thần thực tiễn của giai cấp phong kiến Việt Nam trong giai đoạn đi lên của nó. Giáo sư Oliverôldman, chủ nhiệm khoa Luật Đông Á (Đại học Luật Haward), nhận xét: “Bộ luật thời Lê của nước Việt Nam truyền thống là một công trình bất hủ của vùng Đại Đông Á truyền thống. Nếu ngày mai chúng ta được chứng kiến ở Trung Hoa một cuộc đấu tranh nhằm từ bỏ sự vô tổ chức sau cách mạng văn hóa và đi tới soạn thảo luật pháp nhằm hiện đại hóa đất nước, thì chúng ta cũng thấy triều đại nhà Lê ở Việt Nam vào những thế kỷ đặc biệt của mình đã nổ lực xây dựng một quốc gia dân tộc vững mạnh như thế nào để bảo vệ quyền tư hữu hợp pháp của con người thông qua hệ thống pháp luật tiến bộ, trong đó có nhiều điều đã có thể sánh ngang về mặt chức năng với những quan điểm pháp luật ở phương Tây cận đại”. [2, tr.102]. 
Trong làng xã Việt Nam truyền thống, nhân dân ta thường coi lệ làng cũng quan trọng không kém phép nước. Thời Lê sơ cũng vậy, ngoài luật nước, các làng xã cũng xây dựng và sửa đổi khoán ước, hương ước của làng mình cho phù hợp với điều kiện mới. Việc xét xử theo lệ làng cũng nghiêm ngặt không kém luật nước. Người dân ở các làng xã vẫn mong muốn qua lệ làng, khoán ước, hương ước để thể hiện và bảo vệ quyền tự trị của mình có khi khác với luật pháp của nhà nước. Chính vì thế, Lê Thánh Tông buộc phải chấp nhận cho các làng xã lập “khoán ước và cấm lệ”, nhưng lại ban hành những quy định của nhà nước về việc lập “lệ làng”, chỉ ở “những làng, xã nào có những tục lệ khác lạ” và “quan lại cấp trên duyệt nếu cần thì bác bỏ”, nhằm không cho phép các “lệ làng” làm trái với luật pháp của nhà nước. Nhà Lê muốn thống nhất giữa lệ làng với phép nước, lấy luật pháp nhà nước để trị tội những người không chịu theo tục lệ của làng khi tục lệ đó đã được nhà nước chuẩn y. Luật pháp của nhà nước Lê sơ đã hạn chế và thu hẹp quyền tự trị của các làng, xã rất rõ nét, tăng cường sự lệ thuộc của các làng, xã với nhà nước trung ương, củng cố chế độ quân chủ quan liêu.
3.2.4. Cải cách kinh tế, phát triển nông nghiệp
3.2.4.1. Chế độ lộc điền
Khác hẳn với các triều Lý, Trần, nhà Lê thực hiện chính sách lộc điền, đem ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước ban cấp cho tầng lớp quan lại cao cấp. Chế độ lộc điền được thi hành ngay từ những triều vua đầu tiên của nhà Lê, nhưng chưa  trở  thành quy chế. Đến  thời  vua  Lê Thánh Tông mới được quy định và ban hành thống nhất trong cả nước (1477). Ruộng đất dùng để ban cấp chủ yếu là loại ruộng đất công làng xã. Lộc điền gồm hai loại: một loại cấp vĩnh viễn gọi là ruộng đất thế nghiệp, một loại cấp tạm thời trong một đời, sau khi chết 3 năm thì phải hoàn lại cho nhà nước. Chế độ lộc điền là hình thức ban cấp ruộng đất quy mô của nhà Lê nhằm ưu đãi tầng lớp quý tộc, quan lại cao cấp, biến họ trở thành những địa chủ lớn. Chế độ lộc điền đã góp phần củng cố và phát triển chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất cũng như góp phần xác lập quan hệ sản xuất địa chủ, tá điền và chế độ bóc lột địa tô phù hợp với bước phát triển mới của chế độ sở hữu tư nhân lớn về ruộng đất và của những quan hệ sản xuất phong kiến. Cùng với chính sách quân điền, chính sách lộc điền đã tiến một bước mạnh mẽ vào chế độ chiếm hữu ruộng đất công của làng xã, khẳng định tính chất phong kiến của chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Chế độ lộc điền có tác dụng củng cố bộ máy quan liêu, củng cố cơ sở xã hội của nhà nước phong kiến (giai cấp địa chủ), đánh dấu một bước tiến trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến Việt Nam.
3.2.4.2. Chính sách quân điền
Cũng như chính sách lộc điền, chính sách quân điền đã được thực hiện ngay từ những triều vua trước. Đến đời vua Lê Thái Tông, từ năm 1477, chính sách quân điền mới được chính thức ban hành và từ năm 1481, được thực hiện thống nhất trên quy mô cả nước theo nguyên tắc sau:
Tất cả mọi người từ quan tam phẩm đến cô nhi quả phụ đều được chia ruộng công. Những gia đình nông dân thường đã có ruộng đất riêng đầy đủ, không được cấp.
Ruộng xã nào chia cho dân xã ấy, xã nào ruộng quá nhiều, người ít thì cho phép lấy bớt ruộng xã nhiều chia cho xã bên cạnh ruộng ít, người nhiều. Dân trong xã tùy theo thứ hạng được cấp phần ruộng đất khác nhau. Quan hàm tam phẩm được 11 phần, ngũ phẩm được 9,5 phần… Cô nhi, quả phụ được 3 phần.
Ruộng công làng xã cứ 6 năm chia lại một lần. Mọi người cày cấy ruộng công đều phải nộp tô cho nhà nước. Riêng quan lại từ tứ phẩm trở lên do lộc điền ít nên không phải nộp tô.
Chính sách quân điền thời Hồng Đức là một đòn tấn công mạnh mẽ nhằm phủ định quyền chi phối ruộng đất công của làng xã theo tục lệ, buộc làng xã phải tuân thủ những nguyên tắc quy định về phân chia và hưởng thụ bộ phận ruộng đất công – là bộ phận ruộng đất quan trọng nhất, lớn nhất của nhà nước, làng xã lệ thuộc chặt chẽ vào nhà nước, trên nguyên tắc, ruộng đất công làng xã không được đem mua bán, chuyển nhượng, quyền đó thuộc nhà nước trung ương, nhà vua. Nhà nước trung ương, nhà vua với chính sách quân điền đã trở thành người chủ lớn nhất trong cả nước và nông dân làng xã trở thành tá điền của nhà nước, làng xã rơi xuống địa vị là người quản lý ruộng đất cho nhà nước trung ương, nhà vua. Chính sách quân điền góp phần quan trọng vào sự xác lập và hệ thống của những quan hệ sản xuất phong kiến: quan hệ sản xuất địa chủ - tá điền trong xã hội ở thế kỷ XV.
Chính sách này còn có tác dụng giải quyết vấn đề ruộng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện củng cố nền kinh tế tiểu nông, thúc đẩy sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, chính sách quân điền của Lê Thánh Tông chứa đựng sâu sắc tính chất giai cấp và còn bộc lộ những mặt tiêu cực và hạn chế, chứa đựng những mâu thuẫn nan giải, đã trói buộc người nông dân vào ruộng đất để bóc lột tô thuế và chịu mọi gánh nặng sưu dịch của nhà nước trong lúc sự củng cố nền kinh tế tiểu nông lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản xuất hàng hóa, trong tình hình sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất đã thắng thế trong xã hội.
3.2.4.3. Chính sách khẩn hoang và đồn điền
Xuất phát từ yêu cầu nhanh chóng phục hồi nền kinh tế nông nghiệp sau một thời gian dài chiến tranh, nhà nước Lê sơ ngay từ rất sớm, đã có những chính sách khuyến khích nhân dân các làng xã khai hoang lập làng, đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông. Nhiều chỉ dụ của nhà vua được ban hành nhằm đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang, lập làng và hợp pháp hóa việc khai hoang, lập làng trong nhân dân, góp phần giải quyết tình hình lưu vong trong xã hội. Nhờ những biện pháp tích cực, cho đến nửa sau thế kỷ XV, diện tích ruộng đất hoang hóa đã được khôi phục, tăng thêm diện tích sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập của nhà nước; bộ phận nông dân tư hữu, tự do tăng lên, điều hòa mâu thuẫn giai cấp, ổn định xã hội, nền kinh tế nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi và có bước phát triển.
Song song với chính sách khai hoang, lập làng, Lê Thánh Tông còn đẩy mạnh việc khai hoang lập đồn điền. Chính sách này bắt đầu được thi hành từ thời Thái Tổ và được mở rộng dưới thời Thánh Tông. Chỉ dụ năm 1481 nêu rõ mục đích lập đồn điền của nhà nước “để khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn súc tích cho nước”. Nhiều sở đồn điền được thành lập chuyên lo việc mộ dân lưu vong khẩn hoang. Lực lượng được huy động ở hình thức khai hoang này bao gồm cả quân lính đồn trú, tù binh, tội nhân. Nhà nước đặt ra cơ quan chuyên trách công việc khai hoang, lập đồn điền do các chức quan chánh, phó sứ đồn điền phụ trách.
Chính sách đồn điền của Lê Thánh Tông có tác dụng tích cực, thiết thực trong việc mở rộng diện tích sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Như vậy, khoảng từ năm 1471, thông qua cải cách, Lê Thánh Tông đã tạo được hệ thống hành chính thống nhất trong phạm vi cả nước. Hệ thống khá gọn gàng với chức trách phân minh, bảo đảm sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của trung ương. Đây là mô hình tiên tiến nhất của chế độ quân chủ phong kiến đương thời, trong đó, trung ương và địa phương gắn liền nhau, quyền lực được bảo đảm từ trên xuống dưới. Lê Thánh Tông là một vị hoàng đế lớn của một vương triều mạnh, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét