Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

2.4. Triều Lê (sơ) _ 1428-1527

2.4. Triều Lê (sơ) _ 1428-1527
Sau khi giành lại nền độc lập, ngày 29-4-1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đổi lại quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô.
- Đến triều Lê, chế độ trung ương tập quyền có chiều hướng tăng cường chế độ chuyên chế. Vua được thần thánh hoá và có uy quyền tuyệt đối. Dưới vua có tả hữu tướng quốc, tam thái, tam thiếu, bộc xạ. Dưới nữa là hai ban văn võ. Các cơ quan chuyên trách như Khu mật viện, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử đài.v.v. được cải tổ nhằm tăng cường sự chi phối của triều đình, hạn chế  quyền lực địa phương. Đứng đầu các đạo là hành khiển.
- Thời Lê Thánh Tông cả nước được chia thành 12 đạo thừa tuyên. Cơ sở hành chính hạ tầng được củng cố vững chắc. Dưới đạo là phủ, huyện,châu, hương và xã. Lê Thánh Tông bãi bỏ các chức vụ trung gian, vua trực tiếp kiểm soát lục bộ, bên cạnh các bộ còn lập thêm 6 khoa và sáu tự có chức năng kiểm soát và giúp việc.
- Quan lại thời Lê đều tuyển qua khoa cử, ngoại trừ các tướng lĩnh có công lao, ngay cả quý tộc tôn thất cũng phải đỗ đạt qua thi cử mới được phong chức. Thánh Tông quy định chế độ lương bổng cho quan lại rõ ràng và thống nhất.
- Bộ luật Hồng Đức ban hành năm 1443 là bộ luật hoàn chỉnh nhất nước ta đương thời. Bộ luật gồm 722 điều được chia thành 16 chương. Bộ luật này thể hiện rõ ý thức giai cấp của nhà Lê nhưng cũng phản ánh rõ nét tính dân tộc, qua các điều luật tiến bộ bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và dân tự do.
Lê triều hình luật chia thành 6 quyển, mỗi quyển có 2 chương (riêng quyển III có 6 chương).
Quyển I : Chương Danh lệ, gồm 49 điều.
(Chương nói về tên và lệ luật các hình phạt)
Chương Cấm vệ, gồm 47 điều
(Chương nói về luật vệ cấm: bảo vệ những nơi cấm địa như cung miếu, lăng tẩm v. v.).
Quyển II:  Chương Chức chế, gồm 144 điều
(Chương nói về việc trái phép)
Chương Quân chính, gồm 43 điều
(Chương nói về việc quân chính)
Quyển III : Chương Hộ hôn, gồm 58 điều
Chương Điền sản, gồm 32 điều
Chương Điền sản mới, gồm14 điều
Chương Điền sản tăng bổ gồm 04 điều
Chương Xem xét định lại và tăng bổ luật Hương hỏa, gồm 09 điều
Chương Thông gian, gồm 10 điều
Quyển IV: Chương Trộm cướp, gồm 54 điều
Chương Đấu tụng, gồm 50 điều
Quyển V: Chương Trá ngụy, gồm 38 điều
Chương Tạp luật, gồm 92 điều
Quyển VI:  Chương Bộ vong, gồm 63 điều
Chương Đoán ngục, gồm 65 điều
Thời Lê, nhất là thời Lê Thánh Tông, còn nhiều chiếu, chỉ, sắc dụ của Vua để hướng dẫn thi hành luật.
Năm 1644, khi biếm chức Tả thị lang Bộ Binh Nguyễn Đình Mỹ về tội tham nhũng, Vua dụ các quan: Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi phải tuân theo.
Trong đạo sắc 1474, Vua viết: Đặt luật là để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật.
Lê Thánh tông cũng coi trong việc xây dựng đội ngũ quan lại thực thi pháp luật. Vua cho rằng: Hình quan là chức quan trọng, phải chọn người có sở trường. Quan lại các ty ở Hình bộ nếu tài năng kiến thức nông cạn...phải lựa thải ra, làm bản tâu lên, giao cho Bộ Lại đổi chức khác.
Năm 1491, vua định lệ: Quan lại ở Hình bộ người nào mắc tội lười biếng, gian tham, buông tuồng phóng túng thì làm bản tâu lên theo luật mà trị tội.
- Quân đội thời Lê sơ là quân đội mạnh, được tố chức thành hai loại, quân cấm vệ và 5 đạo quân: Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc. Chế độ binh dịch được quản lý chặt chẽ. Chính sách “Ngụ binh ư  nông” được áp dựng từ thời Lý vẫn được duy trì dưới triều Lê.
- Chính sách ruộng đất bảo vệ quyền sở hữu nhà nước về ruộng đất. Đại bộ phận ruộng đất trong nước lúc đó là ruộng đất công xã. Nhà vua, dưới danh nghĩa chủ sở hữu tối cao về ruộng đất đã đem một số ruộng đất công xã phong cấp cho công thần. Thời Lê Thánh Tông ban hành chính sách lộc điền và quân điền. Lộc điền là ruộng ban cấp cho quan lại từ tam, tứ phẩm trở lên. Quan lại chức thấp hơn chỉ được hưởng phần ruộng công xã theo chế độ quân điền
Trong thời gian các triều vua Lê từ Thái tổ đến Thánh Tông (1428 - 1497), nước Đại Việt dần dần hồi phục và phát triển. Từ đầu thế kỷ 16, triều Lê bắt đầu suy vong.

Nhìn chung, trong các giai đoạn đầu của các triều đại Lý - Trần - Lê sơ, chế độ phong kiến Việt Nam phát triển cường thịnh. Đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sức mạnh của dân tộc, đẩy lùi các cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét