Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

2.3. Nhà Lê Sơ.

2.3. Nhà Lê Sơ.
* Sự ra đời của nhà Lê Sơ:
Năm 1406, lấy cớ nhà Hồ cướp ngôi của nhà Trần, nhà Minh đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Chỉ sau sáu tháng, do đường lối chiến lược và chiến thuật sai lầm, cuộc kháng chiến của nhà Hồ đã bị thất bại, từ đó nước ta rơi vào ách đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh trong 20 năm (1407-1427).
Tháng 7 năm 1407, vua Minh ra chiếu đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, sát nhập vào Trung Quốc, đồng thời, các quan lại nhà Minh còn ráo riết thi hành chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc, triệt để cướp bóc, vơ vét của cải, nhân dân ta bị cưỡng bức đi khai thác vàng, bạc, mò ngọc trai dưới biển, khai thác lâm thổ sản, các hương liệu quý, đi lao dịch, nhiều người còn bị bắt làm nô tỳ, hoặc bị bắt đưa về Trung Quốc, phục dịch bọn quan lại nhà Minh.
Chính sách thống trị tàn bạo của nhà Minh đã vấp phải sự kháng cự của nhân dân ta. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra và đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Trải qua 10 năm (1418 – 1427) gian khổ đấu tranh, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh đuổi được quân Minh, khôi phục nền độc lập của đất nước, mở ra một triều đại mới đó là triều Hậu Lê mà thời kỳ đầu là Lê Sơ, một thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử phát triển Nhà nước và Pháp luật Việt Nam.
* Bộ máy nhà nước:
Nhà nước Lê Sơ thời kỳ này được xây dựng theo thiết chế quân chủ trung ương tập quyền. Quyền lực nhà nước tập trung vào triều đình trung ương, đứng đầu là vua. Vua nắm trong tay mọi quyền lực bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, cả vương quyền và thần quyền. Thời Lê Thánh Tông, chức Tướng quốc (Tể tướng) đầu triều và một số chức danh đại thần khác đã bị bãi bỏ. Hoàng đế trực tiếp điều khiển triều đình. Quyền lực của các quý tộc tôn thất cũng bị hạn chế, không được lập quân vương hầu, phủ đệ, Lê Thánh Tông bỏ lệ ban Quốc tính.
Về phẩm trật trong triều, dưới vua là các quan chức cao cấp dành riêng cho các tôn thất và các đại công thần. Đứng đầu quan lại trong triều là Tả, Hữu tướng quốc (tương đương chức Tể tướng), tiếp đó là các đại thần ban văn gồm Tam thái (sư, phó, bảo), Tam thiếu (sư, phó, bảo), Tam tư (đồ, mã, không). Đại thần ban võ gồm Thái úy, Thiếu úy và Bình chương sự. Đội ngũ quan lại trong triều cũng được chia thành hai ngạch văn và võ. Đứng đầu ngạch văn là chức Đại hành khiển, tiếp là chức Thượng thư đứng đầu các bộ (ban đầu chỉ có hai bộ là bộ lại và bộ lễ. Sau là 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Ở các bộ vẫn là các chức quan như: Tham tri, Gián nghị, Thị lang, Lang trung .v.v. Những cơ quan chuyên môn trong triều gồm có các đài, các viện, giám, sảnh như Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Quốc tử giám, Nội thị sảnh ... Đứng đầu ngạch quan võ là Đại tổng quản hay Đại đô đốc tổng quản (tổng chỉ huy quân đội). Tiếp đó là các chức võ quan cao cấp như thời Lý, Trần.
Nói tóm lại, qua các triều đại thời Lê sơ, các đời vua đều quan tâm và cố gắng thực hiện là kiện toàn bộ máy nhà nước quân chủ tập trung. Đến thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), nó đạt tới đỉnh cao, trở thành một nhà nước toàn trị, cực quyền, mang tính quan liêu chuyên chế. Đây là một bước ngoặt lịch sử, một sự chuyển đổi mô hình, từ nền quân chủ quý tộc thời Lý - Trần mang đậm tính Phật giáo màu sắc Đông Nam Á sang một nền quân chủ quan liêu Nho giáo Đông Á.
* Việc điều hành đất nước:
- Về phân chia địa giới hành chính:
Năm 1427, khi còn bao vây quân Minh ở Đông Quan, Lê Lợi đã bước đầu xây dựng hệ thống chính quyền và phân chia các khu vực hành chính trong nước, Vùng Bắc bộ được chia thành 4 đạo Đông, Tây, Nam, Bắc. Dưới các đạo là trấn, châu, huyện.
Sau khi đánh đuổi được quân Minh, nhà Hậu Lê chia cả nước thành 5 đạo gồm 4 đạo cũ ở Bắc bộ và một đạo mới Hải Tây. Dưới đạo là các trấn, lộ rồi đến phủ, huyện, châu và cuối cùng là xã.
Năm 1466, nhà Hậu Lê phân chia lại đơn vị hành chính. Theo đó, cả nước được chia thành 12 đạo, dưới đạo là phủ, châu, huyện, xã. Đến năm 1471, khi lãnh thổ Đại Việt được mở rộng đến Bình Định, nhà nước đã cho đặt thêm đạo thứ 13 là Quảng Nam gồm 4 phủ, 9 huyện. Bộ máy cai quản ở các đạo tăng từ 2 ty lên thành 3 ty nhằm phân chia quyền hạn giữa các lĩnh vực binh, chính, hình nhằm thu hẹp, hạn chế bớt quyền hạn của quan lại ở địa phương, ngăn chặn khuynh hướng phân tán, cát cứ.
- Về sử dụng, tuyển chọn quan lại:
+ Trong vấn đề sử dụng quan lại, nhà nước thời Lê Sơ rất coi trọng việc đánh giá đúng nỗ lực và phẩm chất của từng quan lại. Cứ 3 năm một lần, nhà nước tổ chức sơ khảo; sau 3 lần sơ khảo thì tiến hành chung khảo. Kết quả các kỳ thi sơ khảo, chung khảo là cơ sở để thăng hoặc giáng chức, thuyên chuyển quan lại. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông ra chiếu dụ “Hiệu định quan chế” quy định rõ ràng công việc và trách nhiệm của các chức quan từ trung ương cho đến địa phương, cấp xã quan cũng phải đạt tiêu chuẩn là hạng giám sinh, tư đồ hay “lương gia tử đệ”, trên 30 tuổi, phải biết chữ và có hạnh kiểm tốt. Quan lại được hưởng đặc quyền, đặc lợi so nhà nước quy định, đồng thời còn có quy định riêng về trang phục, nhà cửa cho các hạng quan mà dân không được áp dụng.
+ Trong tuyển chọn quan lại, thời Lê Sơ nói chung và đặc biệt là thời vua Lê Thánh Tông, việc tuyển chọn quan lại được thực hiện chủ yếu thông qua con đường thi cử. Từ năm 1442, nhà nước đã quy định về việc thi tiến sĩ và chủ trương khắc tên những người thi đậu tiến sĩ vào bia đá đặt tại Quốc tử giám. Đến đời vua Lê Thánh Tông, chế độ giáo dục và khoa cử theo Nho giáo đã phát triển tới mức cực thịnh với ba kỳ thi Hương, Hội, Đình, mở rộng đối tượng dự thi (trừ người phạm tội và người ca hát). Ngoài những kỳ thi trên, nhà nước còn tổ chức những kỳ thi chọn nhân viên với môn thi viết chữ và làm tính. Với cách thức tuyển chọn như vậy, nhà nước Lê Sơ đã thực sự mang tính chất nhà nước quân chủ quan liêu, lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng . Ngoài ra, nhà nước Lê Sơ còn có các công thức tuyển chọn quan lại khác như: Bảo cử (đề cử người có nỗ lực lên bộ lại để tâu vua xin bổ dụng), nhiệm tử (sử dụng con cháu quan lại có công).
- Về tổ chức quân đội: Quân đội thời Lê Sơ gồm thân binh (quân trong thành) và ngoại binh (quân ở các địa phương). Quân các đạo ở địa phương được chia thành vệ, ty, đội và tiếp tục thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” như thời Lý – Trần. Thời vua Lê Thánh Tông, nhà vua trực tiếp chỉ huy quân đội và quy định chế độ tuyển binh rất chặt chẽ.
Việc luyện tập quân đội được quy chế hóa theo từng bình chủng và khảo hạch quân sĩ theo thời hạn 3 năm một lần. Nhờ sự luyện tập và kỷ luật chặt chẽ nên quân đội thời Lê Sơ rất mạnh, là công cụ bảo vệ vững chắc biên cương và mở rộng lãnh thổ.
- Về kinh tế: Nhà nước Lê sơ là một Nhà nước trọng nông, đã đề ra nhiều biện pháp để khuyến khích và phát triển nông nghiệp.Việc chăm sóc, đào đắp kênh đê rất được chú trọng. đặt ra các chức quan Khuyến nông và Hà đê. Khi khẩn cấp đã huy động cả học sinh Quốc Tử Giám trong việc hộ đê. Để bảo đảm sản xuất, các vua Lê đã cho thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”, cho quân đội thay phiên về làm ruộng, theo tinh thần “tĩnh vi nông. động vi binh”. Luật pháp nghiêm cấm việc giết trâu, bò sống để bảo vệ sức kéo. Khi huy động công việc lao dịch, các quan sở tại phải tránh thời vụ, để không làm kinh động sức dân.
Hoạt động thương nghiệp chủ yếu ở thời Lê sơ là nền buôn bán nhỏ thông qua mạng lưới chợ ở nông thôn và thành thị. Nhà Lê đã ban hành lệ lập chợ, khẳng định “trong dân gian hễ có dân là có chợ, để lưu thông hàng hoá”. Đối với thủ công nghiệp thì nhà nước Lê sơ một mặt dung dưỡng nền sản xuất nhỏ thủ công nghiệp trong các làng xã, mặt khác đẩy manh hoạt động của các quan xưởng thuộc thủ công nghiệp Nhà nước. Ở nông thôn, đã xuất hiện nhiều làng chuyên nghề như Bát Tràng (gốm sứ), Huê Cầu (nhuộm thâm). Riêng việc buôn bán với nước ngoài, Nhà nước đã kiểm soát nghiêm ngặt các cáng khẩu, như Vân Đồn, Vạn Ninh, (Quảng Ninh), Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), cấm dân chúng tự tiện buôn bán trao đổi hàng hóa với các tàu buôn ngoại quốc, thi hành chính sách “bế quan toả cảng”.
- Về xây dựng pháp luật: Các hoạt động lập pháp thời Lê Sơ được đẩy mạnh để đáp ứng các yêu cầu mọi mặt của xã hội Đại Việt thời kỳ này. Quá trình xây dựng hệ thống pháp luật được bắt đầu từ thời vua Lê Thái Tổ với các quy định về ruộng đất, kiện tụng và hình phạt. Đời vua Lê Thái Tông nêu ra nguyên tắc xét xử các vụ kiện. Đời vùa Lê Nhân tông đưa ra quy định công nhận và bảo vệ ruộng đất tư, đỉnh cao là đời vua Lê Thánh Tông với nhiều bộ luật ban hành, trong đó có bộ luật cơ bản của nhà nước thời Lê Sơ là “Quốc triều hình luật” hay còn gọi là “Lê triều hình luật”, “Luật Hồng Đức”. Đánh giá về bộ luật này, trong “Lịch triều hiến chưng loại chí” nhà sử học Phan Huy Chú cho rằng nó là: “cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân”. Ngoài bộ luật cơ bản trên, nhà nước thời Lê Sơ còn ban hành nhiều bộ luật khác như:
+ Lê triều quan chế (1471);
+ Thiên nam dư hạ tập (1483);
+ Hồng Đức thiện chính thư (1470 - 1497);
Tóm lại, hệ thống pháp luật thời Lê Sơ mà tiêu biểu là Luật Hồng Đức được thiết lập nhằm mục tiêu bảo vệ quyền thống trị của nhà nước phong kiến tập quyền (trừng phạt nặng những tội làm tổn hại tới vua và triều đình). Bên cạnh việc củng cố trật tự xã hội thì các điều luật đều nhắm đến việc bảo vệ chế độ tư hữu; lợi ích của giai cấp địa chủ, phong kiến và tầng lớp quý tộc quan liêu, đồng thời bảo vệ chế độ gia tộc phụ quyền và đạo đức phong kiến. Mặc dù có mô phỏng luật Trung Quốc, nhưng nhiều điều khoản đã lưu ý đến những tập quán cổ truyền mang tính đặc hữu dân tộc. Điểm tiến bộ của pháp luật thời kỳ này là thể hiện được tính dân chủ, bảo vệ cuộc sống của dân tự do, chống nô tì hóa, chống sự hà hiếp của cường hào, quan lại đối với nhân dân. Tôn trọng quyền lợi phụ nữ trong việc thừa kế gia tài và xét xử ly hôn, được coi là tiến bộ hơn so với luật Trung Quốc đương thời. Có thể nói, bộ Quốc triều hình luật là một công trình lập pháp có vị trí, vai trò rất lớn  trong lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. Nó là sản phẩm của thời đại chế độ phong kiến đang lên, góp phần đưa quốc gia Đại Việt phát triển đến đỉnh cao.
- Về đối nội: Các vua thời Lê sơ rất chú trọng đến việc trị nước bằng các chế định pháp luật; độc tôn Nho giáo và Nho học; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp tăng cường rèn luyện quân đội; mở mang giáo dục, khoa cử và chấn chỉnh kỷ cương triều chính… từng bước đưa nước Đại Việt từ một nước bị nô lệ của nhà Minh trở thành một quốc gia độc lập và có vị thế trong khu vực.
- Về đối ngoại: Với lòng tự hào dân tộc, các vua thời Lê sơ đã không ngừng củng cố, phát triển quốc gia dân tộc thống nhất. Lê Thánh Tông nói: “Quyết không để một tấc đất, một thước sông của Thái Tổ lọt vào tay kẻ khác”. Các vua Lê đã thi hành một chính sách hòa hoãn nhưng kiên quyết với nhà Minh trong vấn đề biên giới, phát triển lãnh thổ về phía tây và phía nam. Năm 1471, Lê Thánh Tông cất quân đánh Cham pa, chiếm thành Đồ Bàn (Bình Định), lấy vùng đất mới lập thành thừa tuyên Quảng Nam. Các nước trong khu vực (như Xiêm La, Miến Điện) đều đến triều cống.
* Vai trò của nhà nước thời Lê Sơ:
Trong thiết chế quân chủ tuyệt đối thời Lê sơ, vai trò của nhà vua đã được đẩy lên rất cao với chủ nghĩa “tôn quân”. Nhà nước quân chủ tập trung thời Lê sơ là một nhà nước mạnh và ổn định. Bên cạnh vai trò nhà vua chỉ huy, thống lĩnh quân đội cùng với bộ máy quan lại thực thi chính sách và pháp luật của triều đình được kế thừa và phát huy từ thời Lý – Trần, nhà nước thời Lê Sơ còn đề cao vai trò chỉ đạo và sự can thiệp của mình vào đời sống kinh tế - xã hội, duy trì sự cân bằng giữa những yếu tố nhà nước và dân gian, công hữu và tư hữu; can thiệp và bảo hộ chính sách trọng nông, thu tô; khuyến khích phát triển nền kinh tế tiểu nông - sản xuất nhỏ làng xã, đồng thời hạn chế giao thương với nước ngoài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét